• CÔNG TY CỔ PHẦN SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI TRÍ VIỆT

    Địa chỉ: Số 170-172, Đường số 5, KDC Nam Trung Tâm Hành Chánh, Phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An

    Điện thoại: 02723 525 204

    Email: trivietcorp@gmail.com

    • Tư vấn kỹ thuật

      02723 525 204

    • Tư vấn bán hàng

      0908 385 824

    Những biện pháp canh tác hữu ích cho cây hồ tiêu tại Tây Nguyên – Phần 1

    Việc phát triển diện tích Hồ Tiêu ồ ạt ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng có thể sẽ kéo giá tiêu không còn ở đỉnh cao như hiện nay nữa. Diện tích trồng tiêu cả nước đã vượt trên 80.000 ha trong khi quy hoạch của BNN&PTNT đến năm 2020 chỉ là 50.000 ha. “Chúng ta đang đi vào vết xe đỗ của Ấn Độ, Indonesia trước đây, đó là ồ ạt trồng tiêu mà ít để ý đến chất lượng. Khi sản lượng tăng quá nhanh, thị trường tiêu sẽ sụp đổ….” (Đỗ Hà Nam, 2015).

    Những lời cảnh báo nầy của Chủ Tịch Hiệp Hội Hồ Tiêu Việt Nam (VPA) rất có ý nghĩa về mặt chiến lược. Tuy nhiên, hiện nay, giá cà phê, giá cao su và hàng loạt mặt hàng nông sản khác  đã “sụp đổ” trong khi giá hồ tiêu lại cao “ngút ngàn”, chúng ta hãy hiểu cho người nông dân Việt Nam đã quá khốn khổ, họ hoàn toàn phải tự bơi, phải tự tìm chút hy vọng mong manh dù bao rủi ro đang chực chờ trước mặt.

    Tiêu là một trong những loại cây rất khó trồng , trong bài viết nầy, ở góc độ kỹ thuật, chúng tôi có vài suy nghĩ về cách trồng tiêu có thể hữu ích, nên muốn nêu lên để người trồng tiêu tham khảo. Đây hoàn toàn không phải là Quy Trình Kỹ Thuật mà chỉ là vài kinh nghiệm đơn lẻ mà chúng tôi có được, xin được gửi đến người trồng tiêu. Ngoài ra, chúng tôi đang làm việc ở Cty CP SX TM Trí Việt, một Cty tử tế với những sản phẩm phân bón tử tế, chúng tôi cũng muốn giới thiệu đến người trồng tiêu những sản phẩm nầy để góp phần giúp vườn tiêu xanh tốt, đạt năng suất cao, chất lượng cao và quan trọng nhất là góp phần kéo dài tuổi thọ của vườn tiêu.

    1 . Thoát nước trong vườn tiêu:

    Nếu thửa đất nào không có khả năng thoát nước trong những tháng mưa dầm, dù vườn tiêu chỉ bị ngập úng trong vài giờ, thửa đất đó nên chọn loại cây trồng khác mà trồng chứ đừng trồng tiêu vì trước sau gì vườn tiêu đó cũng sẽ bị chết.

    Một vấn đề khác là hãy đừng đào hố sâu rồi trồng tiêu trong hố. Hiện nay, gần như các vườn tiêu ở Tây Nguyên và cả ở Miền Đông đều canh tác theo cách nầy. Các hố được đào rộng và sâu trung bình 50cm rồi đặt hom tiêu dưới hố. Mục đích là hố tiêu sẽ trở thành bồn giữ nước khi tưới trong mùa nắng. Điều cực kỳ nguy hiểm của cách làm nầy là vào mùa mưa dầm ở các tháng 8, 9, 10, dù bồn không thấy ngập nước do cấu trúc tơi xốp của đất đỏ basalt hoặc đất có chứa nhiều “sỏi cơm” làm cho chúng ta không thấy bồn bị ứ nước, nhưng thực chất, các tế khổng trong đất đều đã bảo hòa nước, điều nầy có nghĩa rễ tiêu sẽ thở trong điều kiện yếm khí tức thiếu Oxy. Khi rễ hô hấp mà thiếu Oxy, phần rễ tơ sẽ sinh ra các acid hữu cơ, các acid hữu cơ nầy sẽ phá hủy phần chóp rễ tơ và các loại nấm đất độc hại như Fusarium sp, Pythium sp, Phythopthora ….sẽ xâm nhiễm vào. Tiêu có thể chết ngay sau khi ngập nước nhưng đa phần sẽ chết sau đó 2-3 tháng lúc trời đã hết mưa và nhiệt độ xuống thấp ở mùa Noel và Tết âm lịch.

    Để khắc phục phần nào tình trạng nầy, người trồng hãy trồng tiêu ngang bằng mặt vườn hoặc tốt hơn nữa là trồng tiêu trên mô có kích thước khoảng 60 x 60 x 30 cm dù là đất dốc, đất đồi núi. Việc tưới nước trong mùa nắng không có gì trở ngại khi chúng ta làm bồn và tốt hơn hết, hãy dùng biện pháp tưới tự động sẽ rất lợi cho vườn tiêu. Ngoài mương bao xung quanh vườn, trung bình cứ 2 hàng tiêu thì đánh 1 rãnh thoát nước rộng khoảng 30-40 cm và sâu 60 cm, đây là cách rất căn bản để giúp hạn chế bệnh chết dây tiêu.

    2. Sử dụng nhiều phân hữu cơ:
    Cho dù là đất basalt màu mỡ, khi trồng tiêu cũng phải sử dụng hữu cơ. Vườn có bón phân hữu cơ, tiêu sẽ ít chết hơn vườn chỉ bón phân hóa học. Hữu cơ sử dụng có thể là rơm rạ, xác bã thực vật nói chung hoặc phân gà, phân heo hay phân trâu bò đã được ủ cho hoai mục. Khi ủ phân chuồng, chú ý đưa thêm phân Super Lân vào đống phân ủ với tỉ lệ trung bình là 1,5% và phân SA (Sulphate Amonium) cũng với tỉ lệ 1,5%. Sử dụng vi nấm Trichoderma sp loại tốt như TRICO ĐHCT của Cty An Giang, Trichoderma của Vipesco hoặc Trichoderma của SOFRI…. với tỉ lệ trung bình là 0,1% . Áp dụng phương pháp ủ nóng, đảo phân 2 lần và tưới nước đủ ẩm cho đống phân. Thời gian ủ khoảng 10 tuần thì đem ra sử dụng được.
    Mỗi năm nên bón khoảng 10 kg phân hữu cơ/trụ tiêu vào cuối mùa mưa.

    Bón phân hữu cơ ngoài việc cung cấp chất mùn, cung cấp một ít dưỡng chất thì vai trò của hữu cơ là tạo sự thông thoáng cho đất, tạo được hệ vi sinh vật hữu ích chống lại nấm đất độc hại gây bệnh chết dây tiêu, phân hữu cơ còn làm tăng hiệu quả sử dụng phân hóa học và hạn chế tuyến trùng.
    Các sản phẩm phân bón rễ của Cty Trí Việt như TV Super Vi Lượng, TV Gold Rải Gốc, PHS Trí Việt….đều là các sản phẩm Hữu Cơ Sinh Học cao cấp rất hữu hiệu khi rải cho vườn tiêu.

    3.  Mật độ trồng :

    Tiêu là loài cây có hoa lưỡng tính nên việc đậu chuỗi, đậu hạt rất cần ánh sáng. Vì vậy, không nên trồng tiêu quá dầy. Mật độ trồng trung bình nên là 2,5 x 2,5m ( khoảng 1.500-1.600 trụ/ha) nhất là đối với tiêu Vĩnh Linh có nhánh ác (nhánh mang trái) dài. Ngoài ra cũng không cần thiết cho tiêu bò quá cao trên trụ sống vì phần gốc sẽ bị che rợp, thiếu ánh sáng, tiêu rất ít chuỗi.

    1. Trồng cỏ trong vườn & sử dụng vi nấm Trichoderma sp

    Vườn Tiêu nào càng làm sạch cỏ, tiêu chết càng nhiều. Việc trồng cỏ trong vườn là điều mà các nước có nền nông nghiệp phát triển đã áp dụng hơn 40 năm về trước. Hiện nay, nhiều vùng trồng cây ăn trái như Cam Quýt, Thanh Long ….ở ĐBSCL, Miền Đông, Bình Thuận… đã áp dụng rộng rãi biện pháp trồng cỏ để hạn chế bệnh vàng lá, thối rễ gây chết cây. Một vườn tiêu có 9.000 trụ ở Miền Đông, suốt hơn 10 năm, vườn tiêu rất xanh tốt, không bị bệnh chết dây tiêu nhờ các biện pháp tổng hợp trong đó có biện pháp trồng cỏ trong vườn.

    Trồng cỏ trong vườn sẽ có sự cạnh về dinh dưỡng phân bón với cây tiêu, nhưng điều đó không đáng ngại vì khi cắt cỏ, xác cỏ đã trả lại đáng kể lượng hữu cơ và dinh dưỡng vì sinh khối của cỏ trong vườn rất lớn, hàng tỉ tỉ vi sinh vật sinh sôi nẩy nở rồi chết đi khi phân hủy cỏ cũng tạo ra khối lượng Amino Acids thiết yếu rất lớn cho vườn tiêu. Điều đáng nói ở đây, khi có trồng cỏ, lượng Oxy trong đất sẽ dồi dào, đất thông thoáng hơn, bên cạnh đó, ẩm độ đất đảm bảo điều kiện cho hệ vi sinh vật đối kháng như nấm Trichoderma, Actinomyces….phát triển. Có cỏ trong vườn, mùa mưa đất không bị đóng váng gây ra tình trạng rễ bị thiếu Oxy và vào mùa nắng, nhiệt độ đất sẽ không tăng cao giúp cho sự hấp thu dưỡng chất nhất là N được tốt hơn.

    Nếu vườn tiêu có bón phân hữu cơ, có trồng cỏ, việc phun xịt nấm đối kháng Trichoderma vào toàn bộ mặt vườn khoảng 4 lần suốt mùa mưa cũng sẽ là những giải pháp phòng bệnh chết dây tiêu rất hữu hiệu.
    (Còn tiếp…)

    Phòng Kỹ Thuật Công Ty Trí Việt

     

     

     

    Bài viết liên quan

  • Bệnh khô vằn trên cây tiêu (Rhizoctonia solani)
  • Bệnh mạng trắng trên cây tiêu (Marasmius scandensmassee)
  • Bệnh thán thư trên cây tiêu (Collectotrichum gloeosporioides)
  • Bệnh vàng lá virus trên cây tiêu (TIÊU ĐIÊN)
  • Bệnh chết chậm trên cây tiêu (Fusarium solani và F. oxysporum)