Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa
Họ: Pyralidae
Bộ: Lepidoptera
Triệu chứng gây hại:
Ruộng bị hại xơ xác, bạc trắng
Lá lúa bị cuốn, sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền với nhau thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp và đặc biệt là trên lá đòng hoặc lá công năng sẽ làm giảm năng suất rõ rệt.
Đặc điểm hình thái:
– Ngài: mép trước của cánh trước có màu nâu vàng, có hai vệt xiên màu nâu đen từ trên mép cánh xuống 2/3 cánh.
– Trứng: Hình bầu dục có vân mạng lưới rất nhỏ, đẻ từng quả ở mặt trên và mặt dưới lá, trứng mới đẻ có màu hơi đục khi gần nở chuyển màu ngà vàng.
– Sâu non: Sâu non có 5 tuổi, mới mở màu trắng trong, đầu có màu nâu đen, khi lớn cơ thể chuyển màu xanh lá mạ – màu vàng, đầu màu nâu sáng.
– Nhộng có màu vàng – nâu đậm, thường thấy trong lá bị cuốn.
Đặc điểm sinh học, sinh thái và gây hại:
* Vòng đời:
Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ từ 28 – 36 ngày.
– Thời gian đẻ trứng: 6 – 7 ngày;
– Sâu non: 14 – 16 ngày;
– Nhộng: 6 – 7 ngày;
– Trưởng thành sống: 2 – 6 ngày.
* Đặc điểm sinh học và gây hại:
Ngài trưởng thành hoạt động đẻ trứng về đêm, ban ngày ẩn nấp, có xu tính mạnh với ánh sáng, con cái mạnh hơn con đực. Ngài thường tìm những ruộng xanh tốt để đẻ trứng, mỗi con cái có thể đẻ trên 100 quả trứng, rải rác trên lá lúa.
Sâu non có 5 tuổi: Tuổi 1 rất linh hoạt có thể bò khắp trên lá, chui vào lá nõn, mặt trong bẹ lá hoặc bao lá cũ; tuổi 2, 3 trở đi nhả tơ để khâu 2 mép lá cuốn thành tổ nằm trong đó gây hại. Sâu có khả năng di chuyển ra khỏi bao cũ để phá hại lá mới, mỗi con sâu non có thể phá hại từ 5 -9 lá, thời gian di chuyển thường vào buổi chiều (từ 6 giờ – 9 giờ tối), ngày trời mưa hoặc râm mát thì có thể di chuyển bất cứ lúc nào trong ngày. Sâu non đẫy sức chuyển màu vàng hồng chui ra khỏi bao bò xuống gốc lúa, bẹ lá dệt kén mỏng hoá nhộng hoặc hoá nhộng ngay trong bao cũ.
Biện pháp phòng trừ:
– Biện pháp canh tác, kỹ thuật:
+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại,
+ Điều chỉnh mật độ cấy phù hợp,
+ Bón phân cân đối, hợp lý, đặc biệt bón phân đạm vừa phải.
– Biện pháp sinh học:
+ Chú ý bảo vệ hoặc bổ sung thiên địch như ong mắt đỏ Trichogramma sp., nấm… Ký sinh thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ rất đa dạng từ các loài ong, nấm, các loài ăn thịt…
– Biện pháp hóa học:
– Dùng các loại thuốc Padan 95SP, Regent 800WP, Sumithion 50EC, Karate 2.5EC… phun khi sâu còn tuổi 1-2, sâu đã lớn cần phá bao lá trước khi phun mới có hiệu quả.
– Thời điểm phun thuốc thích hợp nhất:
+ Sự phát dục của sâu cuốn lá nhỏ phụ thuộc vào sự sinh trưởng, phát triển của từng trà lúa, trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa cấy ở các thời vụ khác nhau thì trứng sâu cuốn lá nhỏ nở rộ cũng ở các thời điểm khác nhau. Những ruộng lúa cấy trước, nhanh tốt; ruộng lúa thừa đạm, lá xanh đen, những ruộng gần khu dân cư, gần đường quốc lộ, khi trời tối sẽ có nhiều ánh sáng nên mật độ bướm sẽ cao hơn, trứng sâu cũng nở sớm hơn.
+ Phun sau khi ngớt bướm 2 – 3 ngày (thăm đồng 2 ngày/lần, xua ngọn lá lúa kiểm tra thấy mật độ bướm giảm đột ngột so với thời điểm bướm ra rộ). Khi lúa xuôi trái, sâu cuốn lá nhỏ không phá hại nữa mặc dù mật độ bướm rất cao trước đó.
+ Chỉ phun trừ sâu Cuốn lá nhỏ trên những diện tích có mật độ sâu non đến ngưỡng phòng trừ (từ 50 con/m2 trở lên đối với giai đoạn đẻ nhánh, từ 20 con/m2 trở lên đối với giai đoạn làm đòng).