VÀI VẤN ĐỀ VỀ XỬ LÝ RA HOA TRÊN CÂY MÍT CHANGAI
I. Khái quát chung:
Thông thường sự sinh trưởng của thực vật có 2 phase.
Sinh trưởng dinh dưỡng : cây sinh trưởng phát triển thân lá.
Sinh trưởng sinh dục: cây ra hoa, đậu trái.
Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu nói về phase sinh sản.
Cây ăn trái ở vùng ôn đới hoặc Á nhiệt đới, việc phân hóa mầm hoa được quyết định bởi NHIỆT ĐỘ. Cây sẽ phân hóa mầm hoa khi có mùa đông và chúng sẽ ra hoa, đậu trái khi mùa xuân đến. Điều nầy có nghĩa, cây muốn ra hoa thì phải có mùa đông. Nhiệt độ thấp là yếu tố quyết định.
Đối với loại cây nhiệt đới, yếu tố quyết định việc ra hoa lại là KHÔ HẠN. Các yếu tố khác chỉ có tính cách phụ trợ.
II. Nguyên Tắc 3S Trong Xử Lý Ra Hoa Cây Ăn Trái.
3S là gì ? Đây là viết tắc của chữ Sung và Suy. Công thức của 3S là : SUNG – SUY – SUNG.
– S1: Sung.
Giai đoạn S1 là giai đoạn trước khi xử lý cho cây ra hoa, nhà vườn bằng các biện pháp về dinh dưỡng phải cung cấp đầy đủ nước và phân bón để cho cây thật sung tốt.
– S2: Suy.
Đây là giai đoạn quyết định cho cây phân hóa mầm hoa để ra hoa. Nhà vườn bằng nhiều biện pháp phải làm cho cây suy trong giới hạn cho phép. Chú ý, cây sung luôn có đầy đủ 3 yếu tố sau:
• Nước.
• Đạm.
• GA3 (Gibberellic Acid)
Vì vậy, muốn cây SUY để phân hóa hoa thì cần phải chống lại 3 yếu tố nầy.
1. Nước:
Như đã trình bày ở trên, khô hạn là yếu tố quyết định để cây ra hoa, vì vậy, suốt giai đoạn nầy không được tưới nước. Mỗi cây việc ra hoa khác nhau, ví dụ cây cam xoàn rất khó ra hoa nên thời gian siết nước lâu, có khi phải trên 30 ngày. Với cây Mít tương đối dễ ra hoa hơn, tùy loại đất, thời gian siết nước (không tưới) có thể từ 12- 20 ngày. Loại đất xám hay đất đỏ basalt trong mùa nắng, chỉ cần siết nước 10-12 ngày là cây đã héo lá. Trong khi đất vùng ĐBSCL có nhiều sét, khả năng ngậm nước cao, thời gian ngưng tưới có khi phải trên 20 ngày. Thực tế, việc siết nước sẽ được ngừng lại khi lá cây đã bị héo khô khá nhiều. Khi xử lý cho mít ra hoa trong mùa mưa nhất là vào tháng 8, tháng 9 hàng năm bị mưa dầm liên tục, việc siết nước là bất khả thi trừ trường hợp phủ bạt nylon trên toàn mặt liếp. Một điểm khác cũng cần chú ý, là, hãy cắt cỏ trong vườn khi siết nước.
2. Đạm:
Khi xử lý cho mít ra hoa, có lẽ các bạn không nên bón phân, tưới phân hay phun phân qua lá có chứa chất đạm . Hiện nay, trên nhiều loại cây trồng, khi xử lý ra hoa, bà con thường phun lên lá hợp chất NPK 10-60-10. Thật ra vai trò lân 60% trong sản phẩm là tốt nhưng phun 10% N trong sản phẩm để làm gì chưa kể hàm lượng K20 chỉ có 10%. Ngoài các nguyên tố vi lượng như Zn, Cu, Mn, B và Mo có liên quan chặt tới việc hình thành hoa thì chính 2 nguyên tố đa lượng là lân (P) và Kali(K) mới là yếu tố cực trọng để giúp cây phân hóa hoa. Vậy tại sao không chọn sản phẩm có chứa 2 nguyên tố nầy để phun xịt, vừa rất lợi cho việc phân hóa hoa, vừa không hại cho sức khỏe cây nếu không nói là có lợi cho cây. Phân bón MKP (Mono Potassium Phosphate, KH2PO4 ). Tùy tuổi cây, tùy sức khỏe cây và tùy mùa vụ, các bạn có thể phun nó với nồng độ 0,6-1% (6 gram -10gram/lít nước). Các bạn phun ngay thời điểm siết nước và nếu cây quá sung tốt hoặc xử lý trong mùa mưa thì nên phun lặp lại 5-7 ngày sau lần phun đầu tiên. Bón phân vào đất cũng vậy, bạn chỉ cần bón lân và kali mà thôi. Liều lượng tùy điều kiện cụ thể của tuổi cây, của độ lớn cây…., có thể bón 0,6 – 1 kg Super Lân và 0,3-0,5kg KCl hoặc K2SO4/gốc mít. Thời điểm bón phân là ngay trước khi siết nước để phân được thấm vào đất cho rễ hút.
3. Gibberellic Acid (GA3)
Trước và ngay khi xử lý cho mít ra hoa, KHÔNG được phun GA3 hoặc các chế phẩm có chứa GA3 nhé vì nó gây trở ngại cho việc phân hóa hoa.
…….
MÍT LÀ LOẠI CÂY DỄ RA HOA. NHƯNG ĐỂ ĐIỀU KHIỂN QUÁ TRÌNH RA HOA THEO Ý MUỐN, CHÚNG TÔI XIN ĐỀ NGHỊ CÁCH XỬ LÝ ĐƠN GIẢN CHO MÍT CHANGAI RA HOA ĐỂ BÀ CON THAM KHẢO:
– 7 : Trước thời điểm xử lý ra hoa khoảng 5-7 ngày, hãy bón lân và kali như đề nghị ở trên. Tưới nước cho phân thấm vào đất.
+ 0 : Chọn ngày siết nước là ngày thứ 0.
+ 1 : Phun MKP với nồng độ 0,6 % – 1%. Phun ướt đều cây.
+ 2, +3…: Tiến hành cắt cành tăm, cành nhện nằm trong tán cây. Chú ý KHÔNG cắt cành có tán phía ngoài, nhất là KHÔNG cắt cành nắng chiều chiếu rọi vào.
+ 7 : Phun MKP lập lại nếu cây rất sung tốt hoặc những tháng mưa dầm.
Ghi chú:
• Sau khi phun MKP 5-7 ngày, một số lá già sẽ đỏ và rụng. Đó là điều tốt.
• Khác với chất ức chế sinh trưởng như KClO3 hay Pachlobutrazol hay một số chất ức chế khác, việc phun MKP không gây hại cho sức khỏe của cây lại rẻ tiền so với nhiều sản phẩm mà anh chị quen sử dụng hoặc được quảng cáo rầm rộ về việc tạo mầm hoa….
+ 15: Khoảng ngày thứ 12-15, khi cây đã héo lá, hãy cho tưới nước đẫm trở lại, tưới liên tục 3-5 ngày. Đây cũng là thời điểm bón lại phân hóa học, anh chị có thể áp dụng tỉ lệ NPK là 3:2:1 hoặc đơn giản hơn là rải phân phức hợp NPK như 15.15.15 hoặc 16.16.16…., liều lượng cũng tùy cây nhỏ hoặc lớn, có thể bón từ 0,3-0,6 kg/ gốc mít. Bà con có thể phối trộn thêm sản phẩm PHS Trí Việt để cung cấp các nguyên tố vi lượng dưới dạng Chelate-HS dễ hấp thụ và cung cấp hợp chất HS (Humic Substances) cho đất và cây.
+ 17, + 18: Rất nên phun lên lá các chế phẩm có chứa Ca & B. Đơn giản nhất, các bạn mua Calcium Nitrate, hoặc Nitrabor của Yara, nồng độ phun 0,35% (3,5gram/lít nước). Loại phân nầy, hãng khuyến cáo dùng để rải, nhưng bà con cứ cho phun lên lá, rất rẻ và rất hay.
+ 20 đến +25 : Khoảng thời gian nầy, bà con sử dụng phân bón lá Trí Việt để phun nhằm “kéo bông” và làm cho bông mập. Bà con cũng nên chú ý phòng ngừa sâu, rầy, rệp sáp và nấm bệnh gây hại cho bông mít.
Phòng Kỹ Thuật Công Ty Trí Việt